Sau giai đoạn đóng băng bởi dịch Covid-19 vì giãn cách xã hội 2, sang 2022, nhiều chính sách đã được Chính phủ đưa ra để mở cửa cũng như kích cầu nhu cầu du lịch nội địa. Những con số vĩ mô cũng đã phản ánh phần nào sự phục hồi của ngành du lịch trong năm qua. Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, năm 2022 du lịch Việt Nam đã đón 3,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế, đạt trên 70% so với kế hoạch năm; khách du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt, vượt 68,8% so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch đạt 495.000 tỷ đồng, vượt 23% so với kế hoạch.
Trong lĩnh vực hoạt động vui chơi giải trí, Công viên nước Đầm Sen (HoSE: DSN) ghi nhận doanh thu thuần đạt 232 tỷ đồng, gấp hơn 9 lần năm 2021. Lãi sau thuế gần 108 tỷ đồng, tăng 8 lần. Kết quả kinh doanh nói trên là con số cao kỷ lục trong suốt lịch sử hoạt động của Công viên nước Đầm Sen. Giải trình về kết quả, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết kể từ quý II/2022, hoạt động kinh doanh của công ty đã có sự phục do tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, độ bao phủ của vaccine rộng rãi trong cả nước nên nhu cầu vui chơi giải trí của người dân tăng cao, vì vậy khách đến công viên nước cũng tăng. Đồng thời, công ty cũng luôn chú trọng đẩy mạnh các biện pháp cải thiện chất lượng dịch vụ, thực hiện các chương trình để thu hút khách hàng.
Một địa điểm vui chơi giải trí khác quen thuộc với người dân TP HCM là Thảo Cầm Viên. Đây là công viên bảo tồn động vật – thực vật ở TPHCM, là một trong 10 vườn thú lâu đời nhất trên thế giới. Hiện Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn đang quản lý các hoạt động giải trí Thảo Cầm Viên. Năm 2022, doanh thu thuần đạt 144,6 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 45,3 tỷ đồng năm trước. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế Thảo Cầm Viên Sài Gòn đạt gần 3 tỷ đồng. Dù không cao, song mức này vẫn gấp 3 lần kế hoạch đặt ra và là mức cao nhất 10 năm trở lại đây. Năm 2021, công ty này lãi chỉ hơn 500 triệu đồng. Đặc biệt, khoản lãi này được ghi nhận sau khi Thảo Cầm Viên Sài Gòn xin không nhận ngân sách đặc thù do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết của HĐND TP HCM.
Trong lĩnh vực dịch vụ hàng không, cả hai doanh nghiệp trong lĩnh vực này là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) và Taseco Airs (HoSE: AST) cũng đã có một năm lãi lớn. Năm 2022, ACV ghi nhận doanh thu 13.834 tỷ đồng, gấp 2,9 lần năm trước. Nhờ khoản lãi chênh lệch tỷ giá đánh giá cuối kỳ là 2.352 tỷ đồng mà doanh thu hoạt động tài chính đạt mức 4.120 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2021. Đồng thời, chi phí tài chính ghi nhận 204 tỷ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ do không phải ghi nhận trích lập dự phòng và điều chỉnh khoản đầu tư. Doanh nghiệp báo lãi ròng 7.122 tỷ đồng, gấp 9 lần năm 2021.
Còn với Taseco Airs, năm 2022 doanh thu công ty đạt 603,5 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ năm trước; lãi gộp là 319 tỷ đồng, tăng 7,4 lần so với năm trước. Biên lãi gộp đạt 52,9%. Kết quả, doanh nghiệp thu về 34 tỷ đồng lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ, tăng mạnh so với khoản lỗ sau thuế 128 tỷ đồng của năm 2021. Dẫu vậy, mức lãi này vẫn còn cách rất xa so với thời điểm đỉnh cao trước dịch Covid-19 (năm 2019, lãi sau thuế đạt 212 tỷ đồng). Song điều quan trọng hơn cả là công ty đã chấm dứt được chuỗi thua lỗ 2 năm liên tiếp (năm 2020 lỗ 49 tỷ đồng, năm 2021 lỗ 118 tỷ đồng), qua đó tránh được án hủy niêm yết bắt buộc.
Trong lĩnh vực vận chuyển khách, CTCP Cáp treo Núi Bà Tây Ninh (HoSE: TCT) – đơn vị cung cấp dịch vụ cáp treo Khu Di tích lịch sử Văn hóa – Danh thắng và Du lịch núi Bà Đen tại Tỉnh Tây Ninh vừa báo cáo một năm 2022 làm ăn thuận lợi với doanh thu lợi nhuận đều tăng vọt. Cụ thể, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 63,6 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2021. Cùng với khoản doanh thu hoạt động tài chính thu về hơn 22 tỷ đồng, Cáp treo Núi Bà Tây Ninh báo lãi sau thuế 20 tỷ đồng, cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Dù chưa trở lại mức lãi như trước Covid-19, song khoản lãi này cho thấy triển vọng khởi sắc với doanh nghiệp. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải biển – Superdong Kiên Giang (HoSE: SKG) công bố doanh thu gấp 2.4 lần, đạt 410 tỷ đồng; lãi ròng 44 tỷ đồng trong khi năm 2021 lỗ 39 tỷ đồng.
Vinasun (HoSE: VNS) – doanh nghiệp cung cấp dịch vụ taxi và vận chuyển đã thu về 1.089 tỷ đồng doanh thu, gấp hơn 2 lần cùng kỳ. Giá vốn tăng ít hơn doanh thu giúp doanh nghiệp lãi ròng 296,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 131,7 tỷ đồng. Kết quả, Vinasun lãi ròng 186,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 276 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất từ năm 2018 trở lại đây của doanh nghiệp, ngoài ra cũng giúp đơn vị này thoát án hủy niêm yết đang treo lơ lửng trên đầu. Đặc biệt, theo chia sẻ của lãnh đạo doanh nghiệp, số lượng xe taxi đã hoạt động trở lại 100%.
Nhiều doanh nghiệp dịch vụ du lịch đang vực dậy
Trong bối cảnh ngành du lịch phục hồi, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực khách sạn lưu trú khi vẫn ghi nhận những khoản lợi nhuận giảm, thậm chí là lỗ. Đơn cử, Du lịch Dịch vụ Hội An (HoSE: HOT) – chủ sở hữu nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở Hội An công bố doanh thu gần 41 tỷ đồng trong năm 2022, tăng so với hai năm dịch bệnh nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước dịch. Doanh nghiệp cho biết nguyên nhân do cạnh tranh gay gắt phải giảm giá bán, chi phí tăng cao như bảo dưỡng cơ sở vật chất, trích lập dự phòng phải thu khó đòi, chi phí thuê đất… Theo đó, công ty lỗ 19 tỷ đồng, giảm so với mức lỗ 21 tỷ đồng năm 2021 và 25 tỷ đồng năm 2020. Tính đến cuối năm 2022, Công ty lỗ lũy kế hơn 64 tỷ đồng và đánh dấu 3 năm lỗ liên tiếp, đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết trên HoSE.
CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (HoSE: NVT), chủ sở hữu Six Senses Ninh Vân Bay ghi nhận doanh thu năm 2022 đạt 337 tỷ đồng, tăng 166%. Lỗ giảm từ 50 tỷ đồng về 12 tỷ đồng. Trước đó do lỗ lớn vào năm 2015 (-128 tỷ đồng) và 2017 (-479 tỷ đồng), tính tới cuối năm 2022, Ninh Vân Bay lỗ lũy kế 742,3 tỷ đồng. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp doanh nghiệp báo lỗ.
Du lịch Thành Thành Công (HoSE: VNG) – chủ chuỗi khách sạn, khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí thương hiệu TTC Hospitality tại các địa điểm du lịch lớn như Hội An, Đà Lạt, Nha Trang… báo cáo doanh thu đạt 645 tỷ đồng, gấp 3,5 lần. Dù vậy, lợi nhuận ròng vẫn khiêm tốn, chỉ 2,6 tỷ đồng, do hụt thu hoạt động tài chính.
Quốc tế Hoàng Gia (UPCoM: RIC) – chủ casino duy nhất trên sàn ghi nhận doanh thu 119 tỷ đồng, tăng gần 60% so với năm trước. Sau khi trừ đi các chi phí, công ty báo lỗ sau thuế hơn 61 tỷ đồng. Mức lỗ này đã thấp hơn con số 104 tỷ đồng năm 2021. Theo lý giải của ban lãnh đạo, doanh thu năm 2022 tăng so với cùng kỳ năm ngoái là do dịch Covid-19 được khống chế, người dân không còn bị hạn chế tự do đi lại, doanh thu du lịch, dịch vụ tăng. Công ty đã tìm mọi biện pháp ổn định nguồn khách hàng có sẵn, khai thác nguồn khách mới. Dù doanh thu tăng song theo công ty, vẫn chưa đủ bù đắp chi phí nên kết quả kinh doanh vẫn thua lỗ. Đây cũng là năm thứ tư liên tiếp doanh nghiệp này báo lỗ.
Không chỉ có các doanh nghiệp trong mảng khách sạn cư trú “lao đao” mà các hãng hàng không Việt cũng ghi nhận một năm tiếp tục khó khăn. Tuy nhiên, giá dầu tăng cao và lượng khách quốc tế chưa trở về như trước dịch mới là những nguyên nhân chính khiến giá vốn tăng, bào mòn lợi nhuận các hãng hàng không, mặc dù doanh thu đã gấp nhiều lần năm 2021.
Cả 4 hãng hàng không tại tại Việt Nam hiện tại bao gồm Vietnam Airlines (HoSE: HVN), Vietjet (HoSE: VJC), Bamboo Airways và Vietravel Airlines đều lỗ trong năm 2022 do giá vốn và các chi phí tăng cao. Vietnam Airlines đã lỗ năm thứ ba liên tiếp với mức hơn 10.000 tỷ đồng dù doanh thu đã tăng gấp 3. Bản thân Vietjet là công ty chưa từng báo lỗ trong quá khứ kể cả 2 năm ngành hàng không ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng năm nay chi phí tăng mạnh đã khiến doanh nghiệp này không thể tiếp tục có lãi.