Khách du lịch đến Đà Lạt những năm gần đây không chỉ để nghỉ dưỡng hay thưởng thức ẩm thực. Nhiều người còn tìm tới miền đất này để thưởng lãm di sản kiến trúc, nghe hát và gần đây nhất là để xem tranh.
Triển lãm cá nhân mang tên “Nhìn lại” của họa sĩ Bùi Văn Tuất diễn ra từ cuối tháng 10 đến nay tại Đà Lạt không chỉ gây tiếng vang với những người yêu nghệ thuật bởi câu chuyện đưa những gương mặt của trẻ em Hà Giang tới với không gian văn hóa đặc sắc của Tây Nguyên, hay kỷ lục bán hết tranh chỉ trong vòng 2 ngày… Thành công của sự kiện còn được góp phần bởi địa điểm tổ chức, nơi cũng chính là một di sản về mặt nghệ thuật kiến trúc.
Khu nghỉ của di sản
Hơn 30 bức tranh sơn dầu sắp đặt công phu tại Le Lycée Artspace, không gian triển lãm nghệ thuật chuẩn mực nằm giữa đồi thông rộng 7 ha của Ana Mandara Villas Dalat Resort & Spa. Khu nghỉ dưỡng cao cấp được hình thành từ việc bảo tồn nguyên trạng những công trình trăm năm của khu biệt thự Lê Lai, nơi hiếm hoi quy tụ được 17 dinh thự trong một quần thể thiên nhiên ngay trung tâm thành phố, dù Đà Lạt sở hữu tới hơn 2.000 biệt thự Pháp cổ nằm rải rác.
Mỗi công trình tại khu nghỉ lại mang một nét đẹp riêng với thiết kế không trùng lặp. Có căn nổi bật với phòng khách kiểu vòng cung mềm mại. Có căn lại được thiết kế hệ thống tầng bán hầm dùng để lưu trữ rượu vang. Người Pháp đã đem đến Ana Mandara Villas Đà Lạt tất cả những phong cách kiến trúc đặc sắc nhất của xứ sở hình lục lăng. Không những vậy, họ còn có những quan sát kỹ lưỡng để từ đó có những điều chỉnh phù hợp với khí hậu, cảnh quan Đà Lạt như màu vàng làm mờ đi dấu vết rêu mốc, đặc trưng của vùng khí hậu nóng ẩm, đem đến sắc thái cổ kính. Hay việc sử dụng cửa sổ chớp bên ngoài vừa tránh mưa tạt, lại giúp tăng khả năng thông khí…
Những biến đổi phản ánh rõ nét sự giao thoa Đông – Tây trong một giai đoạn phát triển của kiến trúc Việt Nam. Sự giao thoa ấy không chỉ có giá trị về mặt kỹ thuật xây dựng mà còn là minh chứng cho một giai đoạn lịch sử của Đà Lạt, rộng hơn là của Việt Nam. Đến nay, khi ngót nghét một thế kỷ đã trôi qua, những căn biệt thự nơi đây vẫn giữ nguyên vẹn hình dáng ban đầu.
Nội thất cũng đem đến cảm giác xưa cũ. Những chiếc tủ, bộ bàn ghế đều được sưu tập hoặc giả cổ giống như nội thất của thế kỷ trước. Nhiều món đồ là những vật dụng sinh hoạt xa xỉ của chủ nhân cũ được gìn giữ cẩn thận như điện thoại, máy quay đĩa… Điểm xuyết trong không gian ấy là bình gốm, họa tiết hoa văn trang trí, các bức phù điêu phong cách Đông Dương. Kết hợp với cách bài trí tinh tế, khách đến đây có cảm giác có thể xuyên qua thời gian ngắm nhìn cuộc sống xa hoa của giới trung lưu, quan chức Pháp tại Đông Dương đầu thế kỷ XX.
Điểm đến của nghệ thuật
Cùng với những di sản kiến trúc và thiên nhiên, những năm gần đây, Ana Mandara Villas còn là điểm đến của nghệ thuật. Trong không gian cổ kính và trong lành, tâm hồn con người như được về với những gì nguyên bản nhất để thăng hoa cùng nghệ thuật.
Bắt đầu hành trình với những dự án về triển lãm tranh, các trại sáng tác…, trong suốt 2 năm qua, Ana Mandara Đà Lạt đã từng bước khẳng định tên tuổi của mình qua sự thành công của hàng loạt các sự kiện nghệ thuật. Từ trại sáng tác “Mây đông dương” đến các buổi trưng bày nghệ thuật “Những em bé Ballet”, “Phố Bên Đồi”, “Cho mùa gió”, “Gặp gỡ Đà Lạt”, “Chuyện mình”… và gần đây nhất là triển lãm “Nhìn lại”, khu nghỉ dưỡng đã góp phần đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng cùng sự đồng hành của loạt họa sĩ tên tuổi hiện nay như như Lê Thiết Cương, Trần Anh Quân, Duy Hòa, Bùi Văn Tuất, Đoàn Việt Hùng…
Chất lượng của các buổi triển lãm cũng được khán giả và giới chuyên môn đánh giá cao bởi bảo chứng từ những giám tuyển hàng đầu cả nước như Ace Lê, Lý Đợi… Khán phòng Lycée Artspace cùng từng là nơi được “chọn mặt gửi vàng” và đã tổ chức rất thành công sự kiện trưng bày nghệ thuật hồi cố “Tay Níu Thời Gian” của danh họa Bửu Chỉ…
Như một cơ duyên, tự Ana Mandara Đà Lạt đã là một di sản nghệ thuật và nay lại cùng góp phần nâng tầm, đưa nghệ thuật được thăng hoa, phát triển. Ở một góc độ khác, nghệ thuật vị nhân sinh, tại Ana Mandara Đà Lạt, nghệ thuật như đến gần hơn với con người, giúp kết nối, lan tỏa cái đẹp đến với cộng đồng.
Chính họa sĩ kiêm giám tuyển nổi tiếng Lê Thiết Cương từng nhận xét: “Ana Mandara Đà Lạt và nghệ thuật song hành cùng nhau như là một sự tôn vinh tuyệt vời dành cho cái chiều sâu về cảm xúc và nghỉ dưỡng dành cho du khách”. Còn với giám tuyển Ace Lê, anh lại đánh giá nơi đây là một trong những điểm đến về nghỉ dưỡng và nghệ thuật của tương lai, của Việt Nam và rất cần được bảo tồn và phát triển.
Tiếp nối sau thành công của triển lãm “Nhìn lại” của họa sĩ Bùi Văn Tuất, triển lãm “Những Trường Thị Giác” | Chương I: “Sinh Cảnh” sẽ là sự kiện nghệ thuật tiếp theo được tổ chức tại khán phòng Lycée Artspace vào ngày 07/12 tới đây. Đây là triển lãm đặc biệt mở ra một góc nhìn mới về Đà Lạt, về hệ sinh thái thực vật độc đáo của xứ sở ngàn hoa. Triển lãm sẽ trưng bày 35 tác phẩm nổi bật của nhóm các họa sĩ Phạm Công Xeen, họa sĩ Hà My và nhà thực vật học Nhã Phan. Đây là nhóm 3 nghệ sĩ trẻ nổi bật trong làng nghệ thuật đương đại tại Việt Nam cũng như nhận được sự quan tâm trên thế giới.
Ban tổ chức hy vọng rằng những khán giả đến xem triển lãm sẽ cảm nhận được những “sinh cảnh” theo những “trường thị giác” của riêng mình khi dành thời gian tại khuôn viên tại Ana Mandara Đà Lạt.
Tổ Quốc