“Bất kỳ ai đến với cái đẹp và nghệ thuật đều khó để rời xa, tuy nhiên chính vì yêu mà mình cần phải học hỏi và nâng cao bản thân để có những bước tiến cùng hội họa nói riêng và nghệ thuật nói chung”, Hoa hậu Ngọc Hân chia sẻ về sự thay đổi về định hướng của cô trong thời gian tới.
Gặp Ngọc Hân trong những ngày đầu tháng 5, ngay khi cô công bố quyết định học Thạc sĩ ở tuổi 34, và cũng vừa mới tham gia tổ chức thành công buổi khai mạc triển lãm tranh lần thứ 11 tại Ana Mandara Villas Dalat Resort & Spa (Ana Mandara Đà Lạt): Triển lãm “Mây Miền” – họa sĩ Trần Nhật Thăng; Ngọc Hân đã chia sẻ nhiều hơn về hành trình đến với hội họa của cô, cơ duyên cùng các triển lãm tranh – cũng là động lực chính của quyết định tạm dừng công việc quản lý để tập trung cho học tập và gia đình.
Chào Ngọc Hân. Thời gian qua, hình ảnh Hoa hậu Ngọc Hân thường đồng hành và gắn bó với công việc tổ chức các sự kiện nghệ thuật, nổi bật là có các chuỗi triển lãm hội họa tại Khu nghỉ Ana Mandara Đà Lạt. Cơ duyên ấy đến với Hân như thế nào?
Ngoài các hoạt động nghệ thuật thì thời gian qua, Ngọc Hân có tham gia vai trò quản lý tại CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay. Đây là đơn vị sở hữu 2 khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Việt Nam là Six Senses Ninh Vân Bay và Ana Mandara Đà Lạt. Cả hai đều là những địa điểm vô cùng đặc biệt, có giá trị về bảo tồn kiến trúc, thiên nhiên và văn hóa. Chính từ vai trò này, khoảng hơn 2 năm trước, Hân nhận nhiệm vụ từ Lãnh đạo về kế hoạch các khu nghỉ mong muốn đồng hành cùng việc phát triển các hoạt động văn hóa nghệ thuật của Việt Nam. Sau đó, Hân đã tham gia cùng với đội ngũ tại Ana Mandara và các cộng sự của mình cùng nghiên cứu, tìm tòi và nhận thấy Ana Mandara Đà Lạt đang sở hữu những giá trị về lịch sử, kiến trúc Pháp cổ, thiên nhiên bản địa giữa trung tâm Đà Lạt sẽ rất phù hợp để đưa Nghệ thuật để tạo trải nghiệm đáng giá cho khách hàng. Khu nghỉ cùng từng trở thành bối cảnh trong nhiều MV ca nhạc, nơi biểu diễn của nhiều ca sĩ nổi tiếng như Đàm Vĩnh Hưng, Tuấn Ngọc, Hà Anh Tuấn, Isaac… Không gian lãng mạn, đậm chất Pháp tại đây cũng từng được nhà thiết kế Adrian Anh Tuấn lựa chọn để tổ chức show diễn thời trang, giới thiệu đến công chúng bộ sưu tập “Tình Ta Resort 2023”. Vì vậy, đội ngũ đã lựa chọn Ana Mandara Đà Lạt để tổ chức các triển lãnh tranh với mong muốn đóng góp vào sự phát triển chung của ngành Mỹ thuật Việt Nam. Kể từ đó, quá trình đồng hành cùng các triển lãm tranh của Hân bắt đầu.
Người ta nói “vạn sự khởi đầu nan”, với Hân và các đồng sự, việc khởi đầu chuỗi triển lãm quy mô như vậy hẳn cũng không dễ dàng?
Khi nhận nhiệm vụ, thật sự Hân cũng rất bỡ ngỡ, nhưng càng làm thì càng thấy vỡ ra nhiều bài học, trải nghiệm tuyệt vời, có những người bạn mới… Dù từng học về mỹ thuật, nhưng bản thân mình chưa có kinh nghiệm tổ chức hay có mối quan hệ với các hoạ sĩ, nghệ sĩ. Trong khi đó, thách thức với ekip là phải tổ chức được triển lãm của cá nhân hoặc nhóm những hoạ sĩ tốt. Tốt ở đây có nghĩa là hoạ sĩ chất lượng, tranh chất lượng, giám tuyển hàng đầu. Hân và các cộng sự đã khá chật vật để liên hệ vì lúc ấy khu nghỉ cũng chưa quen tổ chức mà nghệ sĩ cũng chưa hề quen lên tận Đà Lạt để làm triển lãm.
Tuy vậy, địa điểm tổ chức tại Ana Mandara Đà Lạt đã giúp Hân và cộng sự thuyết phục được nhiều nghệ sĩ. Hân chia sẻ rằng: “Chúng tôi có một khu nghỉ có giá trị văn hóa lịch sự tốt nhất ở Đà Lạt, có lịch sử cả trăm năm với những biệt thự cổ thơ mộng, với những khách nghỉ cao cấp, rất yêu văn hoá nghệ thuật. Vì vậy, cộng tác với chúng tôi để làm triển lãm tranh ở đây cũng là cơ hội tốt để anh chị tiếp cận công chúng.
Ngoài yếu tố địa điểm, Hân cũng thuyết phục các họa sĩ thử nghiệm những cái mới. Các triển lãm ở Hà Nội hay Sài Gòn đã quen thuộc, dễ dàng tiếp cận. Nhưng khi tổ chức ở trong không gian mới, địa điểm mới lãng mạn, con người thân thiện – những điều Đà Lạt đang có, đó sẽ là một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt và đầy cảm hứng. Không phải ngẫu nhiên mà Đà Lạt được UNESCO công nhận là “thành phố sáng tạo nghệ thuật”.
Có vẻ Ngọc Hân và các cộng sự đã tìm thấy sợi dây liên kết nào đó giữa nghệ thuật và mảnh đất Đà Lạt nói chung và Ana Mandara nói riêng?
Thực vậy! Khi bắt tay vào làm thì Hân cũng cảm thấy Đà Lạt và Ana Mandara Đà Lạt có một sợi dây liên kết mạnh mẽ giữa nghỉ dưỡng với việc thưởng lãm nghệ thuật. Đầu tiên là khí hậu. Bất kỳ ai từ phút đầu bước xuống máy bay, được hít thở không khí Đà Lạt đều cảm nhận được ngay sự trong lành, nhẹ nhõm. Chỉ điều đó thôi cũng đã khiến con người ta dễ cởi mở, đón nhận cái đẹp dễ dàng hơn.
Ana Mandara Đà Lạt là quần thể di tích lịch sử có tuổi đời hàng trăm năm và được bảo tồn rất tốt. Và khi đến đây mọi người không chỉ được nghỉ dưỡng mà còn có trong mình những xúc cảm về những câu chuyện lịch sử, văn hoá. Đó chính là những sợi dây liên kết, những điểm chạm rất dễ để chúng ta có thể xây dựng một công trình, một khu phức hợp nghệ thuật. Với góc nhìn của người tổ chức, tôi cảm thấy bất cứ phần nào của Ana Mandara Đà Lạt cũng có thể trở thành không gian nghệ thuật: vẽ ở ngoài trời, uống rượu vang thưởng thức tiếng đàn, tiếng hát bên cạnh ngọn lửa ấm áp và những người bạn của mình hay có thể ngắm nhìn thành phố từ trên cao…Chính họa sĩ kiêm giám tuyển nổi tiếng Lê Thiết Cương từng nhận xét: “Ana Mandara Đà Lạt và nghệ thuật song hành cùng nhau như là một sự tôn vinh tuyệt vời dành cho cái chiều sâu về cảm xúc và nghỉ dưỡng dành cho du khách”. Còn với giám tuyển Ace Lê, anh lại đánh giá nơi đây là một trong những điểm đến về nghỉ dưỡng và nghệ thuật của tương lai, của Việt Nam và rất cần được bảo tồn và phát triển.
Sau hơn 2 năm làm tổ chức triển lãm tranh, Hân và cộng sự cũng nhận được sự quan tâm từ các anh chị em nghệ sĩ, hoạ sĩ và cũng được lắng nghe rất nhiều nhận xét tích cực của mọi người về công tác tổ chức ở Ana Mandara như: tổ chức chuyên nghiệp; việc bài trí luôn luôn có sự nâng cấp, cải tạo cả phòng tranh để có một không gian phù hợp hơn… Các hoạ sĩ cũng truyền tai nhau rằng làm triển lãm tranh ở Đà Lạt rất “mát vía” bởi trừ những sự kiện không bán tranh (triển lãm danh họa Nguyễn Tư Nghiêm) thì tranh đều bán tốt, tỷ lệ trên 50% và nhiều triển lãm đã bán hết 100% (cười). Thực ra nói như vậy thôi, chứ đằng sau là cả 1 ekip truyền thông, tương tác để tranh của họa sĩ đạt được những giá trị cao nhất khi triển lãm tại đây, và với những nhà sưu tập đến Đà Lạt để nghỉ dưỡng, xem tranh và mua tranh thì tinh thần và sự quyết định cũng khác với việc chỉ đến để mua, họ đến để trải nghiệm không gian và nghệ thuật một cách đủ chạm đến những giác quan cảm xúc cao nhất.
Vậy trong thời gian tới, định hướng phát triển những dự án nghệ thuật tại Ana Mandara Đà Lạt cũng như của bản thân Hân sẽ như thế nào?
Với triển lãm Mây Miền của họa sĩ Trần Nhật Thăng vừa được khai mạc vào đầu tháng 5 và sẽ còn tiếp tục đến hết tháng, Ana Mandara trải qua quá trình 2 năm phát triển các dự án đồng hành với nghệ thuật với 11 triển lãm tranh, thu hút khoảng 10.000 lượt khách ghé thăm. Đây là những con số mà khi nghĩ lại cũng khiến Hân và cộng sự cảm thấy tự hào. Đội ngũ tổ chức đã từng bước mời các họa sĩ từ những họa sĩ rất trẻ với các trại sáng tác, đến những triển lãm của các danh họa tên tuổi của Mỹ thuật Việt Nam như Nguyễn Tư Nghiêm, Bửu Chỉ. Bản thân mình cho rằng đây là những bước đầu tiên để khu nghỉ có thể bứt phá, tiếp tục làm những điều khác biệt, phù hợp với mong muốn giúp mọi người được nghỉ dưỡng trong không gian nghệ thuật gắn liền với những giá trị di sản, cũng góp phần nhỏ bé cho sự phát triển chung của ngành mỹ thuật khi có những doanh nghiệp quan tâm và đồng hành cùng các họa sĩ trong việc tổ chức những triển lãm tranh một cách chuyên nghiệp….
Cũng trong thời gian 2 năm vừa qua, càng gặp gỡ và trò chuyện với các họa sĩ, giám tuyển và nhà phê bình nghệ thuật, Hân càng thấy mình cần phải học hỏi thêm nhiều kiến thức nữa. Dù cũng chăm chỉ đọc và nghiên cứu qua sách báo nhưng những kiến thức đó chỉ là bề rộng, chưa đi sâu vào gốc rễ của vấn đề. Vì thế, để có tư duy logic hơn cho bản thân, để cống hiến và phục vụ các mảng công việc cả về hội họa và thiết kế thời trang, mình quyết định sẽ học lên Thạc sĩ tại trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp – chính ngôi trường trước đây từng theo học. Việc học Thạc sĩ là quyết định cần thiết ở thời điểm hiện tại. Tương lai, mình muốn làm thật nhiều dự án ý nghĩa về văn hóa, nghệ thuật cho xã hội.
Như vậy, Ngọc Hân liệu có tiếp tục đồng hành cùng các triển lãm nghệ thuật?
Chắc chắn bản thân Hân sẽ tiếp tục đồng hành cùng các dự án hội họa, vì mình đã trót yêu lĩnh vực này. Tuy nhiên, cũng chính vì yêu mà mình cần phải học hỏi thêm để có những bước tiến, cống hiến cho nghệ thuật. Và cũng như một “tín hiệu vũ trụ”, Hân nhận được lời mời từ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam để đảm nhận vai trò Cố vấn chiến lược Truyền thông, góp phần đa dạng hoá, lan toả những hoạt động của bảo tàng đến gần hơn với công chúng. Hân trân quý lời mời này, bởi đây là cơ hội để Hân có thể học hỏi và trải nghiệm thêm nhiều kiến thức về mỹ thuật.
Tương lai, Hân vẫn muốn làm thật nhiều dự án ý nghĩa về văn hóa, nghệ thuật cho xã hội. Tuy nhiên, sẽ có những giai đoạn mà mình cần đặt thứ tự ưu tiên, lùi một vài bước để có thể đi con đường dài hơn trong nghệ thuật. Và Hân đã quyết định thời điểm này mình nên lùi lại, hạn chế bớt về công việc, đặt gia đình và trau dồi bản thân lên trước tiên. Theo đó, Hân sẽ dừng các hoạt động quản lý tại công ty và tập trung vào việc học Thạc sĩ, làm việc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, việc thiết kế áo dài và chăm sóc cho gia đình nhỏ của mình, nếu có thời gian và chương trình phù hợp, Hân vẫn có thể tham gia ở những vai trò khác nhau với các hoạt động Nghệ thuật, trong đó có hoạt động mỹ thuật và tranh. Hân tin rằng đây là điểm dừng hoàn hảo, để chuẩn bị cho chặng dài hơn đang chờ đợi Hân ở phía trước, trên con đường của văn hóa, nghệ thuật, thời trang và hội họa.
Tổ Quốc